Từ vụ lúa Hè Thu 2010, bọ phấn trắng đã gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Long An, An Giang, Tây Ninh với diện tích là 15.462 ha. Tác hại do bọ phấn trắng gây ra là chúng chích hút trên lá, làm cho lá lúa bị vàng úa và gây ra hiện tượng lép hạt. Cây lúa bị bọ phấn trắng gây hại có hiện tượng cổ lá lúa bị co rút “xiết” chặt làm cho bông lúa không trổ thoát ra được hoặc trổ ra được nhưng bị quấn sát vào nhau, cũng làm cho hạt bị lép.
Sâu cuốn lá là loài sâu thường gây hại thành dịch lớn và hại nặng trên nhiều vùng trồng lúa ở nước ta. Sâu thường nở rộ và gây hại nặng trên diện rộng vào các giai đoạn: lúa đẻ nhánh, lúa phân hóa đòng, trổ. Nếu gây hại khi lúa đòng đến trổ sẽ khiến hạt bị lép lửng, mất năng suất. Bên cạnh đó vết thương nơi mép lá còn tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bội nhiễm.
Cỏ dại là một trong những đối tượng dịch hại đáng lo ngại, tác hại rất lớn trên ruộng lúa. Cỏ dại không gây ảnh hưởng trực tiếp cho cây lúa nhưng cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, nước với cây lúa. Cỏ dại có thể làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm đồng thời làm tăng chi phí sản xuất, gạo không thể xuất khẩu nếu có lẫn hạt cỏ. Ngoài ra, nhiều loại cỏ dại là ký chủ của sâu bệnh hại và còn là nơi trú ẩn, sinh sản của chuột. Cỏ dại còn là cầu nối cho nhiều dịch hại nguy hiểm khác. Để chuẩn bị cho một vụ mùa mới, việc tìm giải pháp quản lý cỏ hiệu quả đầu vụ là một trong những vấn đề được nhiều bà con nông dân quan tâm.
Bệnh lem lép hạt là tên gọi để chỉ chung hiện tượng hạt lúa có vỏ trấu sậm màu biến đổi từ màu nâu đến đen; từ đen lốm đốm đến đen toàn bộ vỏ trấu bao gồm cả trên hạt lúa có gạo và hạt lúa lép không có gạo, đây là một trong những bệnh hại phổ biến trên cây lúa. Bệnh gây thất thu năng suất bình quân 20%, trong trường hợp nặng có thể lên đến 50% do hạt lúa bị lép, lửng. Bệnh thường gây hại vào giai đoạn lúa trổ bông – chín sữa, nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (mưa kéo dài, độ ẩm cao) sẽ gây tỷ lệ lép, lửng cao, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo.
Vào thời điểm đầu tiên của mỗi vụ lúa, ngoài cỏ dại thì bà con nông dân rất lo ngại sự phá hại của Ốc bươu vàng. Đây là đối tượng khó quản lý và phải tốn rất nhiều chi phí để diệt trừ triệt để do thời tiết mưa nhiều, ruộng thường xuyên có nước làm Ốc có điều kiện sinh sản và phát triển rất mạnh.
Bệnh đạo ôn là một trong những dịch hại nguy hiểm làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa. Trước đây, bệnh đạo ôn chỉ xuất hiện trong vụ lúa Đông Xuân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh đạo ôn đã gây hại hầu hết các vụ lúa trong năm của những tỉnh phía Nam. Bệnh đạo ôn đã làm tăng chi phí sản xuất và gây khó khăn cho nghề trồng lúa ở Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn trên thế giới. Là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, đưa khu vực Đông Nam Á trở thành trung tâm nông nghiệp đầu tiên của thế giới loài người với sự phát triển mạnh mẽ của cây lúa tạo ra nguồn lương thực dồi dào. Tên khoa học của lúa nước là Oryza sativa thuộc họ Lúa (Poaceae), ở Việt Nam vẫn thường gọi đơn giản là lúa hoặc lúa nước. Ở nước ta lúa nước phân bố chủ yếu ở hai đồng bằng rộng lớn nhất cả nước là Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long, ngoài ra còn được canh tác ở một số đồng bằng nhỏ hẹp trải dài vùng duyên hải miền trung, cá biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc người ta còn cải tạo địa hình thành các ruộng bậc thang để canh tác loài lúa này.