08:52 24/12/2022 Lượt xem: 1411
I. THỜI VỤ CANH TÁC
Thời điểm trồng sầu riêng thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa, rơi vào khoảng tháng 4 - 6 hàng năm. Trồng cây vào mùa khô sẽ đỡ sâu bệnh nhưng bà con cần tưới nước thường xuyên để cây không bị héo.
II. QUI TRÌNH VÀ KỸ THUẬT CANH TÁC
Cây sầu riêng thích hợp trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phải thoát nước tốt trong mùa mưa và có khả năng cung cấp nước trong mùa khô. Bộ rễ chịu phèn và chịu mặn kém nên độ pH lý tưởng từ 6 – 6,5, một số vùng có độ pH từ 5 – 5,5 sầu riêng vẫn phát triển khá tốt. Đất có nhiều chất hữu cơ sẽ giúp cây đạt năng suất cao hơn. Trong quá trình trồng cần chú ý cải tạo đất và tạo hệ thống cấp, thoát nước tốt để phòng ngừa nấm Phytophthora gây bệnh xì mủ thân, cháy lá và thối trái.
Chuẩn bị đất:
* Đào mương, đắp mô:
Nếu trồng sầu riêng ở đất đồng bằng, bà con cần tiến hành đào mương, đắp mô chống úng. Mô thường đắp thành hình tròn, có chiều rộng từ 5 – 7 m, mương rộng 2 – 3 m, sâu 1 – 2m. Trước khi trồng cũng cần bổ sung nhiều phân chuồng ủ hoai mục, tro trấu giúp tăng mùn và làm đất tơi xốp. Trong đó, các mô được bố trí theo hướng Bắc – Nam để trồng cây vuông góc với hướng Đông nhằm giúp cây trên vườn nhận được ánh sáng đầy đủ hơn; các mương được nối với mương chính ở cuối vườn để thoát nước tốt trong mùa mưa.
* Chuẩn bị hố trồng:
Các vùng cao nguyên và miền núi do có địa hình cao nên không cần phải đắp mô chỉ cần đào hố để trồng. Hố đào có kích thước 60 x 60 x 60 cm, nếu đất xấu quá bà con có thể đào to hơn khoảng 10cm. Mỗi hố bón xuống 25 - 30 kg phân chuồng đã ủ hoai mục kèm theo 0,3 - 0,5 kg lân; 0,2kg NPK (20:20:10); kèm thêm thuốc chống mối và côn trùng cắn rễ rồi trộn đều với lớp đất mặt và lấp đầy lại hố, tưới nước ủ đống trước khi trồng cây con 15 - 30 ngày.
Chú ý: Nên thường xuyên bồi mô cho cây sầu riêng (vào mùa nắng) để tránh sạt lở ảnh hưởng không tốt đến cây. Trên những vùng đất có địa hình thấp, nên xẻ liếp, mương để giúp thoát nước tốt, nâng cao tầng canh tác.
2. Cây giống
Các giống sầu riêng được ưa chuộng hiện nay đều là các giống nhập khẩu từ nước ngoài như: sầu Thái (bao gồm sầu riêng Dona, sầu riêng Monthon) hoặc sầu Malay (sầu riêng Musang King)… Giống sầu riêng trong nước RI6 cũng được rất nhiều bà con lựa chọn. Đặc điểm chung của các giống sầu riêng này đều là giống cây trồng cao sản, cho chất lượng quả cao như: cơm vàng, hạt lép, mỏng vỏ…và đem lại giá trị kinh tế cao.
Cây giống cần đạt những yêu cầu như sau:
- Cây phải được nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép cành, có nguồn gốc rõ ràng. Lưu ý không được trồng sầu riêng bằng hạt.
- Gốc ghép thẳng, đường kính gốc ghép 1,0 – 1,5 cm, bộ rễ phát triển tốt.
- Thân, cành, lá: Thân thẳng và vững chắc, có từ 3 cành cấp 1 trở lên, các lá ngọn đã trường thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây giống (tính từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) đạt từ 80 cm trở lên.
- Cây phải đúng giống như tên gọi ghi trên nhãn hiệu và phải đang sinh trưởng khỏe, không mang các loại dịch hại chính như: bệnh thán thư, bệnh do nấm Phytophthora, bọ phấn,...
Cách trồng:
- Đặt cây con: Đào 01 lỗ chính giữa hố đã được trộn phân lấp xuống sao cho vừa bằng bầu cây giống và dùng kéo cắt bịch ni lông cẩn thận để không làm tổn thương rễ và không được làm bể bầu. Đặt cây vào hố trồng, hướng mắt ghép quay về hướng gió chính trong năm để giảm hiện tượng tách mắt ghép, nén đất chặt xung quanh bầu cây, cắm 03 cọc tạo thành hình tam giác bao xung quanh cây và buộc nhẹ vào thân cây để giữ cây khỏi đổ ngã, tưới đẫm nước ngay sau khi trồng và dùng rơm, cỏ khô ủ gốc để giữ ẩm.
- Mật độ trồng:
3. Chăm sóc cây con:
- Che bóng cho cây lúc còn nhỏ: Sau khi trồng, trong 06 tháng đầu tiên, cần che 30 – 40% ánh nắng bằng lưới đen và che phủ mặt liếp bằng một số cây ngắn ngày như đậu xanh, đậu phộng để vừa làm cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài vừa giữ ẩm cho đất, trồng thêm cây bắp hoặc chuối theo hướng đông tây và cách gốc 2 – 3 m để che nắng cho cây.
Cần tưới nước thường xuyên khi trời nắng hạn để giảm tỷ lệ chết cây, giúp cây khỏe mạnh, nhanh cho trái.
Đầu mùa khô cần tủ cỏ rác xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây.
Lưu ý:
+ Giữ gốc sầu riêng khô ráo để hạn chế nấm bệnh tấn công vào gốc;
+ Không trồng các loại cây: đu đủ, thơm, dừa, nhóm cây có múi để làm cây trồng xen trong vườn sầu riêng vì các cây này cùng là ký chủ của nấm Phytophthora, đây là nấm gây bệnh thối gốc chảy nhựa, cháy lá, thối bông, thối trái sầu riêng,…
4. Tỉa cành, tạo tán:
Phải tiến hành tỉa cành và tạo tán cho cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản nhằm giúp cây có bộ tán tròn đều, thông thoáng và hạn chế sâu bệnh. Đồng thời, sau mỗi vụ thu hoạch xong cần phải tỉa cành cho cây sầu riêng.
- Các cành cần tỉa bỏ:
+ Cành mọc đứng, cành bên trong tán.
+ Cành ốm yếu.
+ Cành bị sâu bệnh.
+ Cành mọc quá gần mặt đất.
- Các cành giữ lại:
+ Cành mọc ngang.
+ Cành khoẻ mạnh.
+ Cành ở độ cao hợp lý (cao từ 1m so với mặt đất).
Tóm lại: cần tiến hành cắt tỉa cành sớm để khỏi lãng phí dinh dưỡng, cây có tán cân đối và khi cây lớn cành mang trái cách mặt đất ít nhất 1m. Khi cây lớn phải tỉa bỏ tất cả các cành bên trong tán, đảm bảo tán cây thông thoáng, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh. Ngoài ra chúng ta còn có thể tỉa ngắn lại cành bên ngoài tán cây giúp vườn thông thoáng và cây nhận nhiều ánh sáng giúp cây khoẻ mạnh, trái có chất lượng cao. Bên cạnh đó, để giảm chiều cao cây có thể tiến hành cắt ngọn sầu riêng nhằm giúp dễ dàng trong việc chăm sóc và hạn chế thiệt hại do gió, bão….
5. Xử lý ra hoa:
- Xử lý ra hoa thuận mùa:
Khi bón phân ở gốc trong giai đoạn lá của cơi đọt thứ 2 chuyển sang lá lụa (như trên), cần kết hợp phun lên thân cây loại phân bón chuyên dùng giúp tạo mầm hoa tốt, ra hoa đồng loạt (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất) + phun ướt toàn bộ lá bằng MKP nhằm giúp lá mau thuần thục (liều lượng: 80 – 100g/8 lít), thực hiện 02 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày. Lúc này thời tiết đã chuyển qua mùa khô nên khi gặp khô hạn khoảng 20 ngày thì sầu riêng sẽ nhú mầm hoa.
Khi hoa có độ dài 2 – 3 cm: Tưới nước trở lại và tưới đầy đủ nước để hoa phát triển to, đều, hạn chế rụng hoa và tăng khả năng đậu trái.
Khi hoa có độ dài 3 – 4 cm: Tỉa bỏ tất cả hoa ở đầu cành và sát gốc cành, chỉ giữ lại những chùm hoa giữa cành có khả năng mang trái.
- Xử lý ra hoa nghịch mùa:
Phương pháp xiết nước:
Rút cạn nước trông mương. Nếu xiết nước trong mùa mưa thì nên kết hợp đậy nilon trên mặt liếp. Nếu gặp thời tiết khô ráo cây sầu riêng sẽ nhanh ra hoa, nếu gặp lúc mưa nhiều tỉ lệ ra hoa rất thấp.
Lưu ý: Khi đậy nilon nếu cây bị sâu rầy thì dung thuốc hóa học để phòng trị. Cây ra hoa dài từ 2 - 3 cm thì giở nilon ra và bắt đầu tưới nước trở lại.
Phương pháp dùng hóa chất:
Sử dụng Paclobutrazol phun đều lên lá sau khi đợt lá non đã phát triển hoàn toàn. Phương pháp này thường có số hoa/cây tăng lên đáng kể so với không xử lý bằng hóa chất.
Lưu ý: Phun Paclobutrazol phải đúng qui trình và liều lượng hướng dẫn, nếu lạm dụng quá nhiều, pha quá liều sẽ làm cho cây ngừng sinh trưởng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và cho năng suất của cây, nếu nặng có thể làm cho cây chết. Sử dụng nhiều năm sẽ làm cho cây bị suy, hiệu quả xử lý ra hoa giảm xuống và ô nhiễm đất. Vì thế, chỉ nên xử lý Paclobutrazol vào lá và xử lý 2 năm, nghỉ 1 năm trước khi bắt đầu 1 chu kỳ mới.
Phương pháp bón phân:
Để kích thích sầu riêng ra hoa vụ nghịch, có thể áp dụng biện pháp bón phân đạm (urê) với liều lượng cao và bón vào thời điểm không có mưa dầm, hoặc cũng có thể phun phân urê liều lượng cao, sau khi phun sẽ làm cho cây rụng khoảng 30 - 50% lá kích thích cây ra hoa, nhưng thường hiệu quả không cao vì ảnh hưởng của thời tiết rất lớn.
6. Tỉa hoa, trái sầu riêng:
Sầu riêng là loại cây cho nhiều hoa, số lượng hoa cao gấp nhiều lần số lượng trái cần có trên cây, do đó phải tỉa bớt hoa, chỉ giữ lại từng khóm hoa xa nhau trên cành.
- Tỉa hoa: Sầu riêng ra hoa 2 – 3 đợt trong năm, việc tỉa bỏ hay giữ lại đợt hoa nào tùy thuộc vào ý định của chủ vườn muốn có thu hoạch ở thời điểm nào để có hiệu quả kinh tế cao. Nếu có 03 đợt hoa chính, có 02 phương án:
+ Phương án 1: Tỉa bớt hoa đợt 1 và đợt 3, để lại hoa đợt 2 cho chín tập trung.
+ Phương án 2: Tỉa bớt hoa đợt 2, để lại hoa đợt 1 và đợt 3 để cho thu hoạch những quả chín sớm và chín muộn vào lúc thị trường khan hiếm.
- Tỉa quả: Tỉa bỏ những quả nhỏ, quả méo mó, chỉ giữ lại những quả có hình dáng đẹp. Quả được mang trên cành to thì chất lượng cao hơn những quả trên cành nhỏ hoặc trên cành ít lá. Không để lại quá nhiều quả trên 01 cành, nhất là trên các cành nhỏ. Số trái giữ lại trên cây tuỳ thuộc vào sức khoẻ của cây, đối với cây có đường kính tán từ 8 - 10m và mạnh khoẻ chỉ giữ lại khoảng 100 - 150 trái/cây, có như vậy cây mới đầy đủ dinh dưỡng nuôi trái phát triển tốt và đạt chất lượng cao.
Sau khi đậu quả, công việc tỉa quả được tiến hành như sau:
+ Lần 1: Tỉa vào giai đoạn từ tuần thứ 3 – 4 sau khi hoa nở đến tuần thứ 5 sau khi hoa nở (trước khi quả bước vào giai đoạn phát triển nhanh). Lúc này cần tỉa bỏ: các quả đậu dày đặc, quả nhỏ, dị hình, bị sâu bệnh và chỉ để lại 1 – 2 quả/chùm.
+ Lần 2: Tỉa vào tuần thứ 8 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ: các quả phát triển không bình thường: nhỏ, cân cân đối, méo mó ... để điều chỉnh lại sự cân bằng về mặt dinh dưỡng giúp cho quá trình tạo cơm trái được thuận lợi.
+ Lần 3: Tỉa vào tuần thứ 10 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ: các quả có hình dạng không đặc trưng của giống, tạo thuận lợi cho sự phát triển cơm, kích thước và hình dạng quả.
7. Tưới nước và tủ gốc:
Quản lý nước:
Tưới nước cho cây sầu riêng là điều rất cần thiết, bởi vì nước là môi trường bắt buộc phải có để các phản ứng sinh hoá xảy ra.
Cây cần nước ở các giai đoạn:
- 01 tháng đầu tiên: Sau khi trồng nên tưới 01 lần/ngày.
- Giai đoạn cây tơ: Tưới đủ nước, đảm bảo chu kỳ tưới 03 lần/tuần (lượng nước tưới 100 – 150 lít/cây/lần) trong thời gian ít mưa và mùa khô để giảm tỉ lệ cây chết, giúp cây phát triển mạnh, nhanh cho trái.
- Giai đoạn cây ra hoa: Tưới cách ngày để cho hạt phấn khỏe mạnh và ngưng tưới nước khi hoa nở rộ. Khi kết thúc giai đoạn ra hoa rộ: tưới trở lại và lượng nước được tăng dần cho đến khi trở lại bình thường.
- Giai đoạn cây cho trái: Sau khi đậu trái, tưới đủ nước để giúp trái phát triển khỏe, chất lượng tốt.
- Giai đoạn trái chín: Nhu cầu độ ẩm của cây giảm, nên cần giảm lượng nước tưới. Trong thời kì này không nên tưới quá nhiều nước vì trái sẽ chín muộn.
- Giai đoạn trước khi thu hoạch 25 - 30 ngày: Rút nước trong mương khô cạn để quả lớn và chín nhanh. Phủ mặt liếp bằng plastic trong mùa mưa để hạn chế hiện tượng nhão cơm.
* Khi thu hoạch nếu có mưa lớn nên ngừng lại, rút nước trong mương ra, sau 3 - 5 ngày mới thu hoạch trở lại.
Thực tế hiện nay, khá nhiều nhà vườn đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới phun để tưới nước cho cây và có thể kết hợp phun thuốc trừ sâu, bệnh hại vào những khi cần. Riêng hệ thống tưới phun luôn được bà con nông dân quan tâm gia cố, nâng độ cao của ống tưới sao cho phù hợp theo chiều cao của cây trong quá trình phát triển.
Tủ gốc:
Ngoài việc chủ động nguồn nước tưới cho vườn sầu riêng thì việc tủ gốc giữ ẩm cũng rất quan trọng. Có thể sử dụng rơm, cỏ khô, bèo khô, lục bình khô để tủ quanh gốc. Tủ gốc giữ ẩm vừa là biện pháp hữu hiệu để trừ cỏ gốc, sau một thời gian vật liệu tủ gốc sẽ bị phân huỷ tạo ra lớp thảm mục giúp cải tạo đất. Cũng có thể kết hợp tiến hành tủ gốc cho sầu riêng ngay sau khi bón phân hữu cơ để tránh được sự phân huỷ nhanh hàm lượng mùn trong phân hữu cơ dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời.
Quản lý ẩm độ đất để sầu riêng ra hoa tập trung hơn sẽ tránh được tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa hoa và quả non, hoa và quả trưởng thành và sự cạnh tranh giữa quả non và quả trưởng thành.
8. Phân bón:
- Giai đoạn cây con và những năm đầu cho trái:
Bón từ 10 - 20kg phân hữu cơ/gốc kết hợp với phân vô cơ N:P:K = 18-11-5-3 hoặc N:P:K = 15-15-6-4, bón 4 – 5 lần trong năm với liều lượng bón như sau:
Tuổi 1: Bón 0,3 – 0,5 kg/cây/năm.
Tuổi 2: Bón 0,6 – 1,0 kg/cây/năm.
Tuổi 3: Bón 1,0 – 2,0 kg/cây/năm.
Tuổi 4: Bón 2,0 – 3,0 kg/cây/năm.
Tuổi 5: Bón 2,5 – 4,0 kg/cây/năm.
Tuổi 6: Bón 4,0 – 6,0 kg/cây/năm.
Tuổi 7: Bón 5,0 – 8,0 kg/cây/năm.
Tuổi 8: Bón 5,0 – 8,0 kg/cây/năm.
Tuổi 9: Bón 6,0 – 9,0 kg/cây/năm.
- Giai đoạn cây cho trái ổn định:
+ Lần 1: Ngay sau thu hoạch xong cần cắt tỉa cành và bón phân hữu cơ từ 20 - 30kg/cây và kết hợp với phân vô cơ nhằm giúp cây phục hồi và tạo sinh khối nhanh, khoẻ mạnh trong thời gian ngắn nhất.
+ Lần 2: Ngay sau khi lá cơi đọt 1 thành thục tiến hành bón phân lần 2 nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây để nuôi bộ lá cơi đọt tiếp theo được tốt hơn.
+ Lần 3: Trước khi ra hoa 30-40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao để giúp cây phân hóa mầm hoa tốt và quá trình ra hoa dễ dàng.
+ Lần 4: Khi trái sầu riêng to bằng trái chôm chôm cần bón phân có hàm lượng kali cao để giúp trái phát triển nhanh và đạt chất lượng cao.
+ Lần 5: Vào khoảng một tháng trước khi thu hoạch cần bón kali dạng kali sulphate nhằm nâng cao chất lượng trái. Nhìn chung đối với cây có đường kính tán 8-10m đang phát triển bình thường có thể bón 0,5-1,0kg/cây.
Ngoài ra còn có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng kali cao để góp phần nâng cao phẩm chất trái. Có thể phun phân bón lá khoảng 5 lần mỗi lần cách nhau một tuần bắt đầu từ tuần thứ 5 sau đậu trái, vào thời gian này tránh phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao kích thích cây ra lá mới cạnh tránh dinh dưỡng với trái đang phát triển, làm giảm phẩm chất trái: cơm trái bị sượng, bị nhão….
* Lưu ý:
Tuyệt đối không dùng phân có sử dụng nguyên liệu Clo để bón cho sầu riêng, vì chính Clo sẽ làm giảm phẩm chất trái khi lượng Clo trong đất trong cây đạt đến ngưỡng gây hại.
Phân bón lá là phụ thêm với phân bón gốc để tăng kích thước và phẩm chất trái, không nên chỉ sử dụng phân bón lá như trên để thay thế phân bón gốc.
9. Sâu bệnh hại:
Các loại sâu bệnh hại trên cây sầu riêng thường ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cũng như năng suất và chất lượng trái, Vì vậy, việc thăm vườn thường xuyên để phát hiện và phòng ngừa sâu bệnh hại kịp thời có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc canh tác sầu riêng. Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh vườn, thu gom tàn dư cây bị bệnh đem tiêu hủy, cắt tỉa cành nhánh gần mặt đất, vệ sinh làm cỏ vùng góc tạo thông thoáng. Một số sâu, bệnh hại trên cây sầu riêng:
- Sâu hại: Rầy phấn, sâu đục trái, sâu ăn bông, rệp sáp, sâu đục thân cành, nhện đỏ, xén tóc, nhóm côn trùng thuộc họ bọ hung, vòi voi, kiến vương, …
- Bệnh hại: Bệnh thối gốc chảy nhựa (trên thân cành, trên lá, trên trái), bệnh thán thư, bệnh cháy lá, bệnh đốm rong, bệnh nấm hồng, bệnh thối hoa,…
10. Thu hoạch:
Sau trồng 05 năm, sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, thường cho quả 01 lần trong năm. Sau khi ra hoa khoảng 3 – 5 tháng, sầu riêng sẽ chín hoàn toàn và tự rơi xuống đất. Tuy nhiên, khoảng thời gian này có sự khác nhau và phụ thuộc vào các yếu tố: giống, nhiệt độ, lượng mưa, chế độ chăm sóc và vị trí địa lý của vườn cây. Ví dụ: thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch của một số giống phổ biến hiện nay: RI 6 (105 – 110 ngày), Monthong (105 – 120 ngày) ..
Để xác định đúng thời điểm thu hoạch cần kết hợp nhiều đặc điểm:
- Màu sắc vỏ quả: sầu riêng khi chưa chín, vỏ quả có màu xanh hoặc nâu sáng. Khi quả bắt đầu chín, đầu của gai quả chuyển sang màu nâu đậm và phần vỏ màu nâu sáng.
- Khi quả chín, khoảng cách giữa các gai rộng dần ra.
- Đầu gai quả trở nên mềm và dẻo hơn.
- Tầng rời của cuống quả phồng lên rõ rệt khi quả chín (có thể nhận thấy rất rõ trên giống Monthong).
- Nhựa chảy ra từ cuống quả có đặc điểm: màu trong, lỏng, có vị ngọt khi quả chín. Nếu nhựa chảy ra có đặc điểm: đặc, dính và không có vị ngọt thì quả còn xanh.
- Ngoài ra, còn có một số kinh nghiệm như nghe tiếng vỗ vào quả, độ cứng của cuống quả, độ sáng của đường viền ngoài quả...
14:47 08/05/2023
Với nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe, cũng như đã trở thành 1 gia vị không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người, vì vậy ớt có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Giá thành của ớt hiện nay cũng tương đối cao, cách trồng và chăm sóc ớt rất đơn giản, thêm vào đó số vốn ít, rủi ro thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay trồng ớt trở thành mô hình làm giàu ở nhiều địa phương. Giống trồng phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long có giống Sừng Trâu, Chỉ Thiên, Ớt Búng, Ớt Hiểm. Ở miền Trung có giống ớt Sừng Bò, Chìa Vôi.
14:45 08/05/2023
Cỏ dại là một trong những đối tượng dịch hại đáng lo ngại, tác hại rất lớn trên ruộng lúa. Cỏ dại không gây ảnh hưởng trực tiếp cho cây lúa nhưng cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, nước với cây lúa. Cỏ dại có thể làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm đồng thời làm tăng chi phí sản xuất, gạo không thể xuất khẩu nếu có lẫn hạt cỏ. Ngoài ra, nhiều loại cỏ dại là ký chủ của sâu bệnh hại và còn là nơi trú ẩn, sinh sản của chuột. Cỏ dại còn là cầu nối cho nhiều dịch hại nguy hiểm khác. Để chuẩn bị cho một vụ mùa mới, việc tìm giải pháp quản lý cỏ hiệu quả đầu vụ là một trong những vấn đề được nhiều bà con nông dân quan tâm.
14:45 08/05/2023
Sâu cuốn lá là loài sâu thường gây hại thành dịch lớn và hại nặng trên nhiều vùng trồng lúa ở nước ta. Sâu thường nở rộ và gây hại nặng trên diện rộng vào các giai đoạn: lúa đẻ nhánh, lúa phân hóa đòng, trổ. Nếu gây hại khi lúa đòng đến trổ sẽ khiến hạt bị lép lửng, mất năng suất. Bên cạnh đó vết thương nơi mép lá còn tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bội nhiễm.
10:39 08/05/2023
Bắp cải là loại rau màu đang được chiếm ưu thế trong cơ cấu rau màu của nhiều bà con nông dân. Cây cho giá trị dinh dưỡng cao và đươc nhiều người tiêu dùng ưa thích các món ăn được chế biến từ những loại rau này. Hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18-20 độ C. Cây phát triển thuận lợi nhất ở 15-18 độ C. Độ ẩm đất thích hợp 75-85%, ẩm độ không khí 80-90%. Đất quá ẩm (trên 90%) kéo dài 3-5 ngày sẽ làm rễ cây nhiễm độc vì làm việc trong điều kiện yếm khí. Đất: Ưa đất thịt nhẹ, cát pha, tốt nhất là đất phù sa bồi, pH: 5.6 - 6.0. Do có lượng sinh khối lớn nên cải bắp yêu cầu dinh dưỡng cao. Vì vậy, phải đảm bảo phân bón sao cho cây có trạng thái tốt, chống chịu sâu bệnh và cho năng suất cao. Tuy nhiên, bắp cải cũng là loại dễ bị sâu bệnh hại tấn công nhất. Đặc biệt là sâu tơ, gây thiệt hại nặng đến vườn rau trồng, làm giảm năng suất cũng như chất lượng của cây bắp cải. Để hạn chế được thiệt hại do sâu tơ gây ra, mời bà con và bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây cách phòng và điều trị sâu tơ hại cây bắp cải.
15:11 11/02/2023
Cây mãng cầu ta – na được biết tới là loại cây ăn trái phổ biến được đưa vào sử dụng. Trồng mãng cầu ta đem tới hiệu quả kinh tế cao, trở thành lựa chọn của nhiều người khi có nhu cầu mua trái cây cho cả gia đình sử dụng. Biết về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây mãng ta cầu để áp dụng giúp chúng ta có thể canh tác loại cây trồng này thuận lợi, suôn sẻ và cho năng suất cao.
11:43 11/02/2023
Cây có múi là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, diện tích trồng cây có múi có xu hướng tăng với loài chủ lực như cam sành, cam xoàn, quýt đường, quýt hồng, bưởi, chanh. Tuy nhiên để đảm bảo được năng suất cao, chất lượng ổn định thì ngoài biện pháp xử lý ra hoa, vấn đề quản lý sâu bệnh hại cũng quan trọng không kém. Trong đó sâu vẽ bùa là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm vào giai đoạn chồi non.